Xét nghiệm 17 loại tư kháng thể
Mỗi bệnh lý tự miễn sẽ đặc trưng với những triệu chứng cơ năng và các tự kháng thể khác nhau. Hiểu biết về các kháng thể thường gặp trong kết quả xét nghiệm bệnh tự miễn nhằm giúp người bệnh sớm được chẩn đoán cũng như có thông tin rõ ràng hơn về bệnh lý của chính bản thân.
1 Tự kháng thể là gì?
Tự kháng thể là các kháng thể với bản chất là các protein miễn dịch có mục tiêu đánh nhắm nhầm lẫn và gây phản ứng với các mô hoặc cơ quan của chính cơ thể. Một hoặc nhiều tự kháng thể có thể được tạo ra bởi hệ thống miễn dịch của một người khi chúng không phân biệt được tác nhân là kháng nguyên bên ngoài tấn công vào hay chính mô trong cơ thể.
Thông thường hệ thống miễn dịch có thể phân biệt giữa các chất lạ, hay còn gọi là kháng nguyên, và các tế bào của cơ thể. Đây chính là hàng rào phòng thủ bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập từ bên ngoài do các tác nhân gây bệnh như vi sinh vật. Hệ miễn dịch chỉ phản ứng tạo ra kháng thể khi nhận thấy rằng cơ thể đã bị phơi nhiễm với tác nhân chẳng hạn như vi khuẩn hoặc virus. Tuy nhiên, khi hệ thống miễn dịch không còn nhận ra một hoặc nhiều thành phần bình thường của cơ thể, chúng có thể tạo ra các tự kháng thể và phản ứng, gây tổn thương, mất chức năng các mô, cơ quan. Đây chính là cơ chế bệnh sinh của các bệnh lý tự miễn dịch.
2 Vì sao hình thành các tự kháng thể?
Nguyên nhân của việc hình thành các tự miễn dịch rất đa dạng và không được hiểu rõ với rất nhiều giả thiết đã được đặt ra.
Mặc dù vẫn chưa chứng minh được mối liên kết trực tiếp, một số nhận định cho rằng nhiều trường hợp cơ thể sản xuất tự kháng thể là do khuynh hướng di truyền trong mối tương tác với các tác nhân môi trường từ môi rường sống, chẳng hạn như viêm nhiễm virus, vi trùng hoặc tiếp xúc lâu dài với một số hóa chất độc hại.
Bên cạnh đó, yếu tố di truyền cũng thể hiện vai trò trọng tâm khi không ít bệnh lý cho thấy khả năng mắc phải khá cao trong một số gia đình, chủng tộc nhất định. Tuy nhiên, một số tình huống cũng cho thấy thậm chí từng thành viên cùng gia đình vẫn có thể có các rối loạn tự miễn khác nhau. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu lâm sàng còn tin rằng có mối liên hệ giữa việc hình thành các tự kháng thể và thành phần nội tiết tố. Thực tế là các bệnh tự miễn được ghi nhận một tỷ lệ mắc phải nổi bật ở nữ giới hơn nam giới, đồng thời các đợt cấp bùng phát chủ yếu là ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
3 Khi nào cần xét nghiệm tự kháng (ANA)?
Xét nghiệm ANA (Anti-Nuclear Antibodies) là một xét nghiệm thông dụng, được xem là một công cụ hỗ trợ giúp phát hiện các bệnh lý tự miễn nhờ vào việc lấy mẫu máu trên cơ thể bệnh nhân tiến hành xét nghiệm và phát hiện ra các kháng thể nhân ANA tồn tại trong máu. Khi xét nghiệm cho kết quả dương tính đồng nghĩa với việc đã xảy ra phản ứng tự miễn dịch hay nói một cách cụ thể hơn là hệ thống miễn dịch của cơ thể đã tấn công nhầm vào mô của chính mình.
Xét nghiệm ANA sẽ được bác sĩ chỉ định khi bạn có dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh tự miễn hệ thống.
Ngoài ra xét nghiệm còn được tiến hành làm lại để theo dõi tiến triển bệnh.
Những dấu hiệu của bệnh tự miễn thường không đặc hiệu, mơ hồ và thay đổi theo thời gian, tiến triển nặng hơn và có những đợt bùng phát hay ổn định xen kẽ nhau. Một số triệu chứng và dấu hiệu thể hiện như:
-
- Sốt kéo dài không rõ nguyên nhân, đau đầu, chóng mặt.
- Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, không tập trung, mất tinh thần.
- Tê chân tay, nhạy cảm với ánh sáng.
- Ngứa da, nổi mẩn đỏ, nổi mề đay, phát ban.
- Rụng tóc.
- Đau giống viêm khớp ở một hay nhiều khớp.
- Sưng các tuyến ở khớp, cổ họng.
- Tăng hoặc giảm cân bất thường.
- Thay đổi trong nhu động ruột và quá trình trao đổi chất, dị ứng với thực phẩm hoặc gặp phải các vấn đề về tiêu hóa khiến bạn dễ bị dị ứng với thực phẩm hoặc gây nên tình trạng táo bón, tiêu chảy.
- Xuất hiện triệu chứng của các bệnh: Lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp, viêm đa cơ, giảm tiểu cầu vô căn, viêm tuyến giáp,…
Xét nghiệm ANA ít tốn kém và đạt độ nhạy, độ đặc hiệu cao để chẩn đoán các bệnh lý mô liên kết nói chung và bệnh lupus ban đỏ hệ thống nói riêng. Vì vậy để đảm bảo sức khỏe, khi có các dấu hiệu của bệnh tự miễn bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín, chất lượng để được thăm khám và tư vấn tránh trường hợp để bệnh trở nặng.
4 Nguyên Lý Xét Nghiệm ANA
Xét nghiệm ANA là xét nghiệm huyết thanh, lấy mẫu máu của bệnh nhân để tiến hành kiểm tra dựa trên nguyên lý kỹ thuật như: Miễn dịch huỳnh quang, miễn dịch enzyme và miễn dịch hóa phát quang…
Khi các kháng thể trong mẫu kiểm tra phản ứng với kháng thể trong đặc hiệu trong thuốc thử có gắn tinh chất đánh dấu, thông qua phương pháp đo độ hấp thụ ánh sáng hoặc đo quang sẽ giúp phát hiện ra các kháng thể.
Độ nhạy của xét nghiệm ANA khá cao, chính vì vậy đây là xét nghiệm phổ biến thường được chỉ định là xét nghiệm ban đầu để xác định các trạng thái tự nhiễm trên cơ thể người bệnh.
Xét nghiệm ANA đặc biệt có tính đặc hiệu cao phát hiện ra bệnh Lupus. Vì hầu hết khi người bệnh mắc phải bệnh Lupus thông qua xét nghiệm ANA đều cho kết quả dương tính lên đến 95%.
5 Tiến Hành Xét Nghiệm ANA Như Thế Nào?
Trước khi tiến hành xét nghiệm ANA bệnh nhân không cần phải kiêng cữ quá nhiều. Có thể ăn uống một cách bình thường. Quan trọng nhất là nghỉ ngơi đầy đủ, giữ tinh thần thoải mái để có một trạng thái tốt nhất khi lấy mẫu xét nghiệm. Không nên sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê trước khi xét nghiệm ít nhất từ 12 -24 giờ.
Bên cạnh đó cần lưu ý thông tin đến bác sĩ các loại thuốc và thực phẩm chức năng đang sử dụng kể cả thuốc theo toa hoặc không theo toa. Có thể mang theo thuốc để bác sĩ kiểm tra các thành phần một cách chính xác nhất. Vì những loại thuốc này có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm gây ra hiện tượng dương tính giả hoặc âm tính giả.
Khi bắt đầu lấy mẫu xét nghiệm, bác sĩ sẽ lấy khoảng 3 – 4ml máu từ đường tĩnh mạch trên cơ thể người bệnh thẳng vào ống nghiệm không chứa chất chống đông hoặc có chứa chất chống đông heparin. Sau đó, sẽ tiến hành ly tâm huyết tương/ huyết thanh. Mẫu huyết thanh/ huyết tương sau khi thu được sẽ tiếp tục được gửi đến các phòng xét nghiệm để làm kiểm tra bằng các phương pháp:
-
- Miễn dịch enzyme.
- Miễn dịch hóa phát quang.
- Miễn dịch huỳnh quang gián tiếp.
Xét nghiệm ANA cũng giống như những kỹ thuật lấy máu thông thường khác nên nguy cơ gây hại cho cơ thể hoàn toàn không đáng kể. Có một số trường hợp có thể bệnh nhân có cảm giác hơi đau hoặc xuất hiện vết bầm nhỏ sau khi lấy máu. Nhưng không cần phải lo lắng, vết bầm sẽ tự tan sau khoảng 1 tuần.
Tuy nhiên kết quả xét nghiệm cũng có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố như:
-
- Bệnh nhân có dùng thuốc hoặc chất kích thích trước khi lấy máu nhưng không thông báo cho bác sĩ gây ra tình trạng dương tính giả hoặc âm tính giả. Đặc biệt là việc sử dụng các thuốc huyết áp và thuốc chống động kinh.
- Quá trình bảo quản mẫu máu xét nghiệm không tốt gây ảnh hưởng đến kết quả.
- Bệnh nhân đang bị nhiễm các bệnh do virus gây nên như nhiễm trùng, nhiễm lao, bị ung thư cũng khiến kết quả có sự sai lệch.
Tuỳ theo nơi tiến hành xét nghiệm sẽ có thời gian trả kết quả cho bệnh nhân khác nhau. Nhanh nhất có thể trong vòng khoảng vài giờ sau khi xét nghiệm sẽ có kết quả. Dựa vào kết quả các bác sĩ sẽ thông báo và có hướng tư vấn cho bệnh nhân.
6 Ý Nghĩa Kết Quả Xét Nghiệm ANA
Sau khi xác định được chỉ số ANA trong huyết tương thông qua các xét nghiệm sẽ cho các kết quả như sau:
Kết Quả Xét Nghiệm ANA Âm Tính
-
- Khi chỉ số ANA nhỏ hơn mức 1.5 Index sẽ cho ra kết quả âm tính. Điều này có nghĩa là không tìm thấy sự hiện diện của tự kháng thể trong cơ thể người. Nếu có thì ở lượng rất thấp, dưới ngưỡng máy có thể phát hiện.
- Nếu sau thời gian xét nghiệm người bệnh vẫn xuất hiện các triệu chứng thì xét nghiệm có thể được tiến hành để kiểm tra một lần nữa sau khoảng 4 – 6 tuần.
Kết Quả Xét Nghiệm ANA Dương Tính
Khi chỉ số ANA vượt qua mức 1.5 Index sẽ có kết quả dương tính. Đồng nghĩa với việc tìm thấy sự hiện diện của tự kháng thể trong máu người bệnh. Điều này cũng không chắc chắn được bệnh nhân đã mắc bệnh lý tự miễn. Lúc này cần đến sự tư vấn và chẩn đoán tiếp theo của các bác sĩ chuyên khoa để tiến hành thêm các xét nghiệm chuyên sâu khác và khai thác thêm các triệu chứng trên cơ thể người bệnh. Khi đó mới có kết luận chính xác và phác đồ điều trị cho bệnh nhân.
Trong cơ thể người khoẻ mạnh tỷ lệ hiện diện của ANA ở mức 3 – 15%. Tuy nhiên tỷ lệ này cũng có sự thay đổi phụ thuộc rất nhiều vào độ tuổi. Cụ thể việc sản xuất tự kháng thể sẽ dần tăng lên mức từ 10 – 37% đối với người có sức khoẻ tốt trên 65 tuổi. Thông thường tỷ lệ ANA ở nữ giới sẽ cao hơn nam giới. Khi bị nhiễm các loại virus kể cả là người có cơ thể khoẻ mạnh cũng có khả năng cho ra kết quả xét nghiệm ANA dương tính. Mặc dù các tự kháng thể này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.
Như vậy, xét nghiệm ANA có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc giúp các bác sĩ chẩn đoán các bệnh lý tự miễn, đặc biệt là bệnh Lupus ban đỏ. Từ đó có hướng điều trị tích cực nhằm bảo vệ sức khỏe người bệnh trước khi bị ảnh hưởng quá nặng nề do các bệnh gây ra.
Không những vậy đây còn là một xét nghiệm thông dụng nhằm theo dõi các bệnh lý thường gặp trên cơ thể người. Khi có những triệu chứng của bệnh lý tự miễn xuất hiện hoặc những dấu hiệu không rõ nguyên nhân cần đến các bệnh viện để được tiến hành kiểm tra điều trị kịp thời theo phác đồ cụ thể và hiệu quả.